Bộ môn Yoga nói chung đang ngày càng thu hút nhiều người tập. Và nếu đã từng làm quen với Yoga, bạn chắc hẳn cũng biết đến Hatha Yoga. Vậy Hatha Yoga là gì? Những lợi ích mà nó mang đến cho người tập là như thế nào? Vậy để giải đáp những thắc mắc này, Thể Hình Số sẽ cung cấp đến bạn đọc những kiến thức cơ bản nhất về Hatha Yoga.
1. Hatha Yoga là gì?
Thực sự chưa có một định nghĩa nào có thể diễn tả hoàn toàn chính xác Hatha Yoga là gì. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, ở mỗi nền văn hóa người ta lại có cách hiểu khác nhau về Hatha Yoga.
Hatha Yoga là nền tảng cơ bản của hầu hết các bộ môn Yoga ngày nay
Tuy nhiên, tựu chung lại thì Hatha Yoga có thể được xem như nền tảng cơ bản của hầu hết các bộ môn Yoga ngày nay. Hatha ghép từ “hat” có nghĩa là Mặt Trời và từ “ha” có nghĩa là Mặt Trăng. Như vậy, Hatha cũng có thể hiểu là sự cân bằng âm dương, ngày đêm, giữa vận động và nghỉ ngơi, giữa sự căng và giãn của cơ thể.
Hiểu một cách đơn giản hơn thì Hatha Yoga giống như một dạng thực hành biến đổi với 8 bước cơ bản sau:
- Giới
- Luật
- Điều thân
- Điều tâm
- Điều khí
- Tập trung
- Thiền
- Định
Các bước luyện tập trên giúp cho cả tâm trí và cơ thể của người tập có sự phát triển toàn diện nhất.
2. Lợi ích của việc tập luyện Hatha Yoga
Hatha Yoga là một hệ thống các bài tập thể chất với mục đích đem lại sự cân bằng cho cơ thể. Khi tập luyện thường xuyên, đúng phương pháp thì bộ môn này sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe người tập.
Một buổi tập Hatha Yoga
2.1. Tăng cường sức khỏe tim mạch
Một nghiên cứu được đăng trên trang Y học Cộng đồng Ấn Độ vào năm 2014 đã chỉ ra rằng, người tập Yoga thường ít mắc các bệnh tim mạch hơn người không tập Yoga. Cũng theo nghiên cứu này, Hatha Yoga có khả năng cải thiện dòng chảy của máu về tim. Từ đó, làm giảm đi đáng kể các cơn đau thắt ở vùng ngực.
2.2. Giúp hệ xương thêm chắc khỏe
Hatha Yoga sẽ gồm nhiều các tư thế đòi hỏi sự dẻo dai của người tập. Ví dụ như tư thế lạc đà, tư thế thỏ, tư thế tam giác,.. Những tư thế này có vai trò làm tăng mật độ xương, giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh loãng xương cho người tập.
Cũng theo một nghiên cứu đăng trên Topics in Geriatric Rehabilitation vào năm 2016, lại khẳng định một lần nữa tác dụng của các bài tập Hatha Yoga với xương khớp. Theo đó, mỗi ngày bạn chỉ cần tập 12 phút Hatha Yoga là đã có thể gia tăng mật độ xương cho hệ cột sống và xương vùng đùi.
2.3. Làm đẹp da
Tập Yoga mà lại làm đẹp được da? Nghe có vẻ chẳng liên quan gì nhưng lại hoàn toàn là sự thật. Cụ thể, Shat-kriya trong hệ thống các bài tập của Hatha Yoga có khả năng loại bỏ độc tố trong cơ thể. Khi lượng độc tố bị đào thải ra ngoài, làn da của bạn sẽ khỏe mạnh và mịn màng hơn.
2.4. Giúp giảm cân
Hầu hết các bài tập Yoga đều không đốt cháy mỡ thừa lớn như bạn tập gym. Nhưng vẫn còn có một số bài tập đòi hỏi sự hoạt động mạnh mẽ của cơ thể. Khi kết hợp chúng với chế ăn uống, lối sống lành mạnh thì việc giảm cân nhờ Hatha Yoga vẫn hoàn toàn có thể.
2.5. Tăng cường hệ miễn dịch
Trong khi luyện tập Yoga, cơ thể của bạn luôn phải thực hiện tư thế co rút và kéo căng các cơ. Điều này làm cho các mạch chủ trong cơ thể có sự lưu thông tốt hơn. Hệ miễn nhiễm từ đây cũng có sự hoạt động mạnh mẽ hơn để phòng chống lại sự xâm nhập của tác nhân có hại từ bên ngoài. Đồng thời, thúc đẩy quá trình đào thải độc tố bên trong cơ thể.
2.6. Giúp thư giãn tinh thần
Thực hiện các bài tập Hatha Yoga chính là một cách hiệu quả để bạn thư giãn tinh thần. Trong khi luyện tập, bạn luôn phải tập trung để thực hiện động tác sao cho đúng. Lúc đó, tâm trí bạn sẽ không còn chỗ cho những lo âu, phiền muộn thường nhật.
Các bài tập Hatha Yoga là cách hiệu quả để bạn thư giãn tinh thần
Ngoài ra, Hatha Yoga còn giúp tinh thần của bạn có sự phát triển toàn diện hơn. Đó là nhờ vào sự giải phóng năng lượng bên trong cơ thể và cân bằng những sự đối lập trong chính con người bạn. Khi ấy, tâm linh hay tinh thần của bạn sẽ có sự phát triển đúng hướng.
3. Một số bài tập cơ bản trong Hatha Yoga
Hatha Yoga gồm hệ thống gồm nhiều bài tập. Trong đó, mỗi bài tập lại mang đến những tác dụng tích cực cho cả tinh thần và sức khỏe của người tập.
3.1. Bài tập Lotus Pose với tư thế hoa sen
Đây là một trong những bài tập cơ bản nhất trong Hatha Yoga. Lotus Pose là sự kết hợp giữa kỹ thuật thiền và việc thực hành điều tiết hơi thở. Hiện nay, có khá nhiều các tư thế ngồi thiền khác nhau nhưng điểm chung vẫn là giữ cho lưng thật thẳng. Cùng lúc cần phải phối nhịp nhàng với hơi thở.
Bài tập Lotus Pose với tư thế hoa sen
Tư thế hoa sen trong Hatha Yoga khi thực hiện thường xuyên có tác dụng rất tốt để thư giãn tinh thần. Không những vậy nó còn giúp cải thiện đường tiêu hóa, cân bằng huyết áp, làm giảm chứng căng cơ, giảm đau bụng kinh. Đặc biệt, bài tập này rất phù hợp với phụ nữ đang trong thời kì mang thai khi giúp chị em dễ dàng sinh nở hơn.
3.2. Bài tập Camel Pose với tư thế lạc đà
Tư thế lạc đà Camel Pose đòi hỏi sự vận động mạnh mẽ ở vùng lưng. Từ đó giúp cải thiện, ngăn ngừa chứng thoát vị đĩa đệm và các vấn đề liên quan đến cột sống. Tuy nhiên, bài tập Camel Pose khá là khó tập với người mới làm quen, nếu không cẩn thận có thể khiến vùng cột sống bị ảnh hưởng.
Bài tập Camel Pose với tư thế lạc đà
Vì vậy khi mới luyện tập Camel Pose, bạn nên tập với cường độ vừa phải. Khi đã quen dần thì bạn có thể nâng cao cường độ sao cho vừa sức mình.
3.3. Bài tập Rabbit Pose với tư thế con thỏ
Bài tập Rabbit Pose với tư thế con thỏ
Bài tập Rabbit Pose với tư thế con thỏ sẽ dễ hơn rất nhiều nếu so với tư thế lạc đà. Bởi thay vì phải ưỡn người về phía sau thì bạn chỉ cần cúi người về phía trước cho đến khi đầu chạm đất. Hai tay của bạn lúc này cần chạm vào 2 gót chân.
3.4. Bài tập Mule Kick Pose với tư thế con la đất
Bài tập Mule Kick Pose với tư thế con la đất
Để thực hiện bài tập Mule Kick Pose, bạn cần hạ 2 lòng bàn tay và 2 đầu gối xuống đất, giống như con ngựa. Sau đó nhấc chân phải lên và duỗi thẳng về phía sau. Cùng lúc nâng cánh tay trái lên và duỗi thẳng. Tiếp theo đổi bên chân và thực hiện tương tự.
4. Lưu ý khi tập Hatha Yoga
Hatha Yoga mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe là vậy. Thế nhưng nếu không luyện đúng cách sẽ có thể dẫn đến chấn thương, hiểu quả không được như mong muốn. Do đó, trong quá trình luyện tập bạn hãy chú ý đến một vài điểm sau:
- Nên luyện tập ở nơi có nền bằng phẳng rộng rãi. Tránh tập ở trên giường hay nệm cao su.
- Nên tập khi bụng đói hoặc ít nhất phải từ 3 tiếng sau khi ăn và 30 phút sau khi uống nước. Trong khi luyện tập, bạn không nên uống nước đâu nhé.
- Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt không nên luyện tập các bài tập Hatha Yoga.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai nên tránh tập trong 3 tháng đã của thai kỳ. Tốt nhất hãy luyện tập từ tháng thứ 4 trở đi để tránh ảnh hưởng tới thai nhi.
- Sau mỗi lần tập Hatha Yoga, bạn nên nằm nghỉ ít từ 5 đến 10 phút. Sau đó, uống một ly nước lọc hoặc sữa để lấy lại sức.
Sau phần tổng hợp của Thể Hình Số, chắc hẳn bạn đã biết được Hatha Yoga là gì. Và đừng quên áp dụng những bài tập Hatha Yoga để giúp cho cơ thể và tinh thần của bạn luôn đạt trạng thái tốt nhất nhé!