Da tựa như một lớp áo khoác bảo vệ cơ thể trước tác động của các yếu tố bên ngoài. Và cũng vì lý do này mà làn da của chúng ta cũng chịu nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là da mặt. Nhiều người cho rằng da mặt của mình thuộc nhóm da nhạy cảm, tuy nhiên liệu điều đó có chính xác hay không? Có những biểu hiện nào và cách chăm sóc da nhạy cảm ra sao? Bài viết sau đây sẽ tháo gỡ thắc mắc của bạn.
Da nhạy cảm là gì?
Trên thực tế, da nhạy cảm là một thuật ngữ khoa học vẫn chưa được định nghĩa một cách chính xác. Ngay cả với các chuyên gia da liễu, việc chẩn đoán tình trạng da nhạy cảm vẫn khá khó khăn bởi những dấu hiệu bên ngoài của da không thể nói lên được tất cả mà chính xác nhất vẫn là cảm nhận của bản thân. Tuy nhiên đứng trên góc nhìn của những bác sĩ da liễu giàu kinh nghiệm, da nhạy cảm vẫn có những biểu hiện cụ thể mà bạn có thể tự nhận biết được.

Biểu hiện của da nhạy cảm
Sở hữu làn da nhạy cảm luôn là “nỗi buồn” của rất nhiều người mà đa phần là các chị em, bởi chỉ cần thay đổi nhỏ về thói quen sinh hoạt, thời tiết hay mỹ phẩm đang sử dụng là nhanh chóng phải “hứng chịu hậu quả” ngay lập tức. Nếu bạn đang sở hữu một hoặc một vài dấu hiệu dưới đây, làn da của bạn gần như được xác định là da nhạy cảm.
1. Da rất dễ bị ửng đỏ
Làn da sẽ trở nên bị đỏ khi tiếp xúc với các kích thích gây kích ứng, đây cũng có thể là biểu hiện của rosacea (một bệnh lý về da). Tình trạng này có thể biến mất khi loại bỏ tác nhân nhưng cũng có thể kéo dài, khi này can thiệp laser là biện pháp giúp làm giảm phản ứng kéo dài trên da.
2. Da dễ bị phát ban và nổi nốt sưng
Sau khi tiếp xúc với yếu tố kích thích, làn da sẽ nhanh chóng xuất hiện các nốt sưng đỏ, ngứa ngáy rất khó chịu. Phần lớn các tác nhân đều bắt nguồn từ mỹ phẩm không phù hợp.
3. Da bị ngứa thường xuyên
Đặc biệt là sau khi làm sạch với các sản phẩm có tính tẩy mạnh, làn da sẽ có cảm giác bị căng và ngứa rát. Tình trạng này dễ gặp vào mùa đông hơn là bởi nhiều người có thói quen sử dụng nước nóng để rửa mặt, dẫn tới da càng dễ bong tróc, đau rát hơn.

4. Châm chích khi dùng mỹ phẩm
Biểu hiện này khá phổ biến, đặc biệt là khi sử dụng các sản phẩm trang điểm hoặc mỹ phẩm chăm sóc da có thành phần gây kích thích da. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là bởi da nhạy cảm có lớp bảo vệ khá mỏng nên các tác nhân dễ dàng thâm nhập hơn gây phản ứng trên da.
5. Da khô căng, bong tróc
Người có làn da khô cũng dễ bị nhạy cảm hơn bởi da dễ bị mất nước, mất đi khả năng bảo vệ. Đặc biệt vào thời tiết hanh khô, lạnh giá, nhiều người gặp phải vấn đề da bị bong tróc, lột thành mảng gây đau đớn, nhiễm trùng, để lại sẹo.
6. Dễ bắt nắng, nhạy cảm với ánh nắng
Làn da của bạn chỉ cần tiếp xúc trong thời gian rất ngắn với ánh nắng mặt trời (khi không dùng biện pháp bảo vệ như kem chống nắng hay che chắn) cũng dễ bị ửng đỏ, sạm đen, bong tróc, kích ứng,…
7. Lộ mạch máu trên da (còn gọi là giãn mao mạch)
Các mạch máu nổi li ti trên da, đặc biệt tại vùng má, đầu mũi, hai bên thái dương, trước xương quai hàm,… Những vùng da này đều có đặc điểm chung là da mỏng và thiếu độ đàn hồi.

8. Nhạy cảm với chất tạo mùi
Mùi thơm tuy mang lại cảm giác dễ chịu nhưng lại là nguyên nhân rất phổ biến gây nên tình trạng kích ứng da, gây mẩn đỏ, bong tróc, nổi mụn. Nếu gặp phải tình trạng này, làn da của bạn cũng đang có dấu hiệu của sự nhạy cảm đấy.
9. Dễ bị mụn
Khi da trở nên nhạy cảm và thiếu ẩm, thường sẽ có cơ chế tiết nhiều dầu nhờn hơn để cân bằng độ ẩm. Điều này dẫn đến tình trạng dầu thừa không được đào thải hết gây bít tắc lỗ chân lông hình thành mụn.
Nguyên nhân dẫn đến da nhạy cảm
Làn da nhạy cảm có thể do yếu tố di truyền nhưng cũng có thể là biểu hiện của rất nhiều các nguyên nhân cộng hưởng gây nên. Để hiểu rõ hơn về làn da để tìm ra các cách chăm sóc da nhạy cảm, bạn nên hiểu về nguyên nhân gây nên tình trạng này:
- Do ô nhiễm và bụi bẩn: Có khả năng bám và hấp thụ vào da, làm suy yếu lớp bảo vệ tự nhiên của làn da.
- Do nguồn nước: Có chứa canxi, sắt, magie hàm lượng cao và tính kiềm có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn.
- Làm sạch da quá mức: Với các sản phẩm tẩy da chết, rửa mặt,… có chứa các thành phần có tính tẩy rửa mạnh có khả năng khiến da trở nên nhạy cảm hơn, mất đi độ đàn hồi và dễ kích ứng.
- Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học: Ăn thức ăn nhanh, ít uống nước thiếu ngủ, thức khuya, khói thuốc, máy lạnh, thường xuyên bị căng thẳng, clo trong bể bơi cũng là nguyên nhân khiến da trở nên nhạy cảm hơn.
- Các thành phần có khả năng gây kích ứng trong mỹ phẩm như chất tạo màu, tạo mùi, paraben, thuốc nhuộm tóc,…
- Sử dụng rượu thuốc, kem trộn.
- Lạm dụng treatment (đặc trị).

Cách chăm sóc da nhạy cảm
Chăm sóc da là cả một quá trình dài và mong muốn cuối cùng vẫn là có một làn da khỏe. Tuy nhiên với làn da nhạy cảm thì quá trình này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn rất nhiều bởi không có nhiều sự lựa chọn về các sản phẩm chăm sóc như các loại da khác. Dưới đây là hướng dẫn về cách chăm sóc da nhạy cảm để hạn chế các tác động của tình trạng này.
Bước 1: Làm sạch da đúng cách
Lựa chọn sản phẩm tẩy trang, sữa rửa mặt, tẩy tế bào chết,… để làm sạch da cần hết sức chú ý. Bạn nên chọn các loại mỹ phẩm làm sạch dịu nhẹ, loại trừ các dòng có chứa chất tạo mùi (fragrance), có hạt, có chứa cồn, phthalates, chất tạo bọt hay chất tẩy rửa bề mặt(sulfate).
Bước 2: Chọn toner để cân bằng độ PH và làm sạch sâu (Có thể bỏ qua)
Ngay sau khi vừa làm sạch da là thời điểm làn da trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết bởi vừa mất đi lớp dầu bảo vệ bên ngoài. Khi này một sản phẩm toner phù hợp với chiết xuất lành tính sẽ giúp làn da nhanh chóng dịu đi những mẫn cảm và được làm sạch, cấp ẩm nhẹ nhàng.
Bước 3: Serum dưỡng da chuyên sâu (Có thể bỏ qua)
Với thành phần là các tinh chất siêu nhỏ có thể len sâu vào da, serum giúp nuôi dưỡng da hoàn hảo ngay cả những người có làn da nhạy cảm. Bạn nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có chức năng cấp ẩm, làm dịu da và phục hồi da trước khi làn da đủ khỏe để sử dụng serum chống oxy hóa (như retinol) nhé.
Bước 4: Dưỡng ẩm da toàn diện
Dưỡng ẩm là bước chăm sóc da đặc biệt cần thiết cho người có làn da nhạy cảm. Tuy nhiên khi lựa chọn, bạn vẫn nên tìm kiếm các sản phẩm có dạng gel hoặc lotion có thành phần an toàn để phục hồi và bảo vệ lớp màng Hydrolipid tự nhiên trên da. Ngoài ra nhờ dạng lỏng mà sản phẩm thẩm thấu nhanh, không gây nhờn dính, tích tụ bụi bẩn hay bít tắc lỗ chân lông.

Ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có chứa vitamin C, vitamin E, Niacinamide, Hyaluronic Acid, Ceramides, Green Tea Extract…Nên tránh các dòng kem có chứa cồn, chất tạo mùi, kháng khuẩn, retinoids, AHA, BHA…
Bước 5: Chống nắng bảo vệ da
Là bước chăm sóc da nhạy cảm đặc biệt quan trọng, bạn nên chọn kem chống nắng có chỉ số tối thiểu là SPF 30. Bên cạnh đó, nên lựa chọn kem chống nắng vật lý có chứa titanium dioxide hoặc kẽm oxit để da được bảo vệ tốt nhất mà không phải hấp thụ thêm bất cứ thành phần nào.
Cách phòng ngừa kích ứng cho da nhạy cảm
Ngoài 3 – 5 bước chăm sóc da cơ bản trên, bạn nên lưu tâm đến việc chăm sóc da nhạy cảm dựa trên những nguyên nhân và biểu hiện đặc trưng của từng loại. Nhằm ngăn ngừa các kích ứng mà da nhạy cảm có thể gặp phải, bạn hãy lưu ý đến những điều sau đây:
Người có da nhạy cảm dễ phát ban (nguyên nhân chủ yếu từ mỹ phẩm)
Cách chăm sóc và phòng ngừa hiệu quả đó chính là trước khi sử dụng bất cứ loại mỹ phẩm mới nào đều cần test trước. Bạn nên thoa một vùng nhỏ ở xương quai hàm trong khoảng 24h để xem có phản ứng nào của da hay không.
Da nhạy cảm dễ bị ngứa, châm chích, bong tróc
Hạn chế sử dụng nước nóng để rửa mặt hay tắm, lựa chọn các dòng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa các hạt scrubs khiến da bị cọ xát quá nhiều. Ngoài ra không bao giờ quên các sản phẩm dưỡng dịu nhẹ có khả năng cấp ẩm, cấp nước lành tính và loại bỏ các loại mỹ phẩm có chứa thành phần độc hại (như paraben, chất tạo màu, tạo mùi,…)
Da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
Luôn luôn bảo vệ da tuyệt đối dưới ánh nắng là cách chăm sóc da nhạy cảm loại này. Kem chống nắng được xem là vật bất ly thân với bạn, tuy nhiên nên cẩn trọng trong việc lựa chọn sản phẩm bởi một số thành phần có thể khiến trầm trọng hơn tình trạng nhạy cảm. Nên chọn kem chống nắng có chứa titanium dioxide hoặc kẽm oxit và chỉ số chống nắng tối thiểu SPF là 30.

Da nhạy cảm với chất tạo mùi
Các dòng mỹ phẩm có mùi hương luôn khiến chị em thích thú nhưng đây lại là nguyên nhân gây dị ứng. Thế nên lựa chọn mỹ phẩm với thành phần an toàn, không mùi sẽ là lựa chọn lý tưởng. Nên chọn sản phẩm có ghi fragrance-free, bởi cũng có khá nhiều các loại mỹ phẩm dùng chất tẩy mùi hóa học để loại bỏ mùi hương khiến nhiều người nhầm tưởng.Tránh xa các loại tinh dầu như bạc hà, quế, đinh hương vì có thể khiến da bị sưng, kích ứng.
Da nhạy cảm dễ bị ửng đỏ
Chỉ cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng như khói bụi, khói thuốc lá, gió lạnh, hanh khô, ánh nắng,… bạn sẽ hạn chế được tình trạng da bị ửng đỏ. Với những người bị ửng đỏ kéo dài, phương pháp điều trị bằng laser chính là cách xử lý hiệu quả.
Da nhạy cảm dễ bị mụn
Cách chăm sóc da nhạy cảm dạng này đó là bạn nên dùng sản phẩm làm sạch dành cho da nhạy cảm và dưỡng không dầu, có thành phần lành tính giúp da giữ vệ sinh mà không làm mất đi lớp bảo vệ, đồng thời thông thoáng lỗ chân lông. Nên sử dụng các cách chăm sóc da mụn như tinh chất từ vỏ cây phỉ, tinh dầu tràm trà,… Không nên dùng salicylic, benzoyl peroxide, retinol bởi da nhạy cảm thường khó chịu được độ mạnh của sản phẩm này.
Một số lưu ý khi chăm sóc da nhạy cảm
Da nhạy cảm khiến việc chăm sóc trở nên khó khăn và người sở hữu làn da này cũng gặp rất nhiều vấn đề rắc rối. Ngoài các phương pháp chăm sóc dành riêng cho từng nhóm da nhạy cảm trên, những lưu ý dưới đây sẽ giúp quy trình của bạn hoàn hảo hơn:
- Hãy thẳng tay loại bỏ các sản phẩm có chứa cồn, chất bảo quản, chất tạo mùi, silicon và các chất gây độc khác.
- Trước khi sử dụng, cần test thật kỹ ở vùng da cổ, da ở quai hàm,… để trong vòng 24 tiếng.
- Không dùng quá nhiều loại mỹ phẩm cho da.
- Luôn làm sạch da nhưng không tác động quá mạnh hay sử dụng các sản phẩm có tính tẩy rửa cho da nhạy cảm.
- Thường xuyên uống nước và bổ sung rau xanh, trái cây vào thực đơn để tăng sức đề kháng cho làn da.
- Tập thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc, làm sạch chăn gối, không cho tay lên mặt,…
- Hạn chế sử dụng nước nóng để rửa mặt.

Làn da của bạn có thực sự nhạy cảm hay không phần lớn do chính cảm nhận và đánh giá chủ quan, các chẩn đoán thông thường chỉ căn cứ vào một vài dấu hiệu khó nhận biết. Do đó để có cách chăm sóc da nhạy cảm phù hợp nhất, lắng nghe làn da của mình chính là điều vô cùng quan trọng.